Sáng 28/6/2023, tại trụ sở Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông; Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; Hội Xuất bản Việt Nam đồng chủ trì tổ chức Hội thảo “Nhận diện các hành vi vi phạm in lậu, làm giả xuất bản phẩm, gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm và các giải pháp phòng chống”.

Toàn cảnh Hội nghị

Đồng chí Nguyễn Hoài Anh, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì Hội thảo.

Các đồng chí chủ trì Hội thảo

Dự Hội thảo, có đại diện lãnh đạo: Cục An toàn thông tin; Cục Chuyển đổi số quốc gia; Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; Hội Xuất bản Việt Nam; Hiệp hội In Việt Nam; Hội in Thành phố Hồ Chí Minh; Hội in đồng bằng sông Cửu Long; các nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm cùng các cơ quan thông tấn báo chí.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tình trạng in lậu, làm giả xuất bản phẩm và gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm ngày một gia tăng dưới nhiều hình thức in truyền thống, điện tử, không gian mạng…, tác động xấu đến hoạt động xuất bản, đến việc tiếp cận tri thức của người dân thông qua xuất bản phẩm.

Năm 2021, Đoàn liên ngành và các Đội liên ngành, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông địa phương đã tiến hành 722 cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ sở in, cơ sở phát hành, cơ sở photocopy và ban hành 32 Quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt 782.000.000 đồng; tịch thu, tiêu hủy 145.033 xuất bản phẩm.

Một số địa phương có kết quả nổi bật về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm như: Thành phố Hà Nội tiến hành 105 cuộc, xử phạt 420.000.000 đồng, tịch thu 140.405 xuất bản phẩm; Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành 5 cuộc, xử phạt 155.000.000 đồng; Hòa Bình tiến hành 53 cuộc, Ninh Bình tiến hành 51 cuộc, Vĩnh Long tiến hành 31 cuộc. Năm 2022, toàn ngành đã tiến hành 1.632 cuộc thanh tra, kiểm tra (tăng 126% so với năm 2021 - 722 cuộc), thu hồi, tiêu hủy trên 128.476 ấn phẩm; xử lý 7,27 tấn bán thành phẩm không rõ nguồn gốc, xử phạt trên 1 tỷ đồng.

Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, hiện nay các hành vi in lậu, làm giả xuất bản phẩm được thực hiện trực tiếp tại các điểm phát hành; phát hành trên không gian mạng, sàn thương mại điện tử; sử dụng các mạng xã hội để quảng cáo bán sách. Tinh vi hơn nữa là đã có sự mở rộng về địa bàn vi phạm, địa bàn tiêu thụ, đối tượng, quy mô vi phạm.

Hội thảo “Nhận diện các hành vi vi phạm in lậu, làm giả xuất bản phẩm, gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm và các giải pháp phòng chống” sẽ mở ra một diễn đàn để các chuyên gia, các nhà quản lý hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực xuất bản trao đổi, chia sẻ kết quả nghiên cứu, định hướng phát triển hoạt động xuất bản, đồng thời có những kiến giải hướng đến.

Hội thảo tập trung vào các chủ đề: làm rõ và bổ sung thêm các nhận dạng đối với các hành vi in lậu, làm giả xuất bản phẩm và gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản để hình thành cơ sở dữ liệu cho đấu tranh, phòng, chống và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất bản; giải pháp hoàn thiện, đồng bộ cơ sở pháp lý giúp cơ quan quản lý nhà nước đấu tranh, xử lý kịp thời, hiệu quả tình trạng in lậu, làm giả xuất bản phẩm và gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, đặc biệt là các hành vi vi phạm trên không gian mạng, xuyên biên giới; đề xuất cơ chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương, huy động được sự vào cuộc hiệu quả của các bộ và các địa phương; vai trò, trách nhiệm của tổ chức hội, hiệp hội trong việc bảo vệ quyền hội viên khi bị xâm hại quyền lợi, cũng như đại diện cho hội viên phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc đấu tranh, phòng chống in lậu, làm giả xuất bản phẩm và gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản; công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai các quy định pháp luật cần có những giải pháp hiệu quả để huy động được các cơ quan báo chí, truyền thông vào cuộc, cùng đồng hành với các cơ quan, đơn vị phối hợp truyền thông, phản ánh kịp thời các vụ việc vi phạm, cũng như lan tỏa ý thức, trách nhiệm của cộng đồng, chung tay phòng chống in lậu, làm giả xuất bản phẩm và gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản…

Các đại biểu phát biểu tham luận tại Hội thảo 

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã  nghe một số tham luận trình bày trực tiếp xoay quanh việc nhận diện các hành vi vi phạm in lậu, làm giả xuất bản phẩm như: Tăng cường về nhận thức và hành động ngăn chặn sách giả, sách lậu nhằm bảo đảm trật tự trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành của TS. Hoàng Mạnh Thắng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; Các vấn đề liên quan đến xử lý vi phạm sách lậu ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay của đại diện Công ty Cổ phần sách Alpha; Nhận diện sách lậu và đề xuất một số giải pháp phòng, chống sách lậu của đại diện Nhà xuất bản Trẻ…

Tổng kết Hội thảo, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh, Hội thảo “Nhận diện các hành vi vi phạm in lậu, làm giả xuất bản phẩm, gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm và các giải pháp phòng chống” được tổ chức sẽ là một trong những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng bộ nhận diện các hành vi in lậu, gian lận thương mại. Các ý kiến, tham luận trong hội thảo sẽ giúp Cục Xuất bản, In và Phát hành xây dựng được bộ công cụ này sát với thực tế hơn, giúp ích cho các cơ quan chức năng trong quá trình xử phạt sách lậu. Trong thời gian tới, Cục Xuất bản, In và Phát hành sẽ tổ chức thêm nhiều hội thảo chuyên đề nữa để lấy ý kiến của các đơn vị xuất bản, làm sao để tìm ra giải pháp chung ngăn chặn làn sóng sách lậu trên môi trường internet.

Theo www.nxbctqg.org.com