Tọa đàm khoa học “50 năm Hiệp định Pari - Mốc son lịch sử”
Hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01/1973 - 27/01/2023), chiều 29/11/2022, tại trụ sở Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học “50 năm Hiệp định Pari - Mốc son lịch sử”.
PGS.TS. Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật, Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam và đồng chí Phan Anh Sơn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam chủ trì Tọa đàm.
Dự Tọa đàm có đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Thượng tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS. Hoàng Văn Hiển, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế...; các đồng chí đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương: Ban Tuyên giáo Trung ương; Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Bộ Ngoại giao; Học viện Ngoại giao; Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao; Viện Sử học Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội); Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tham dự Tọa đàm còn có các đồng chí trong Ban Lãnh đạo Nhà xuất bản, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.
Cách đây vừa tròn 50 năm, ngày 27/01/1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (gọi tắt là Hiệp định Pari) được chính thức ký kết, là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân ta ở cả hai miền đất nước, đã tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam.
Trong thời gian khoảng 5 năm (từ 1968-1973), Hiệp định Pari đã trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn và đã có hàng nghìn cuộc mít tinh chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam. Cuối cùng, đúng 12 giờ 30 phút (giờ Pari) ngày 22/01/1973, tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế Clêbe, Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Kítxinhgiơ ký tắt. Ngày 27/01/1973, Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký chính thức giữa Bộ trưởng Ngoại giao các bên.
Thắng lợi của Hiệp định Pari và Hội nghị Pari cách đây vừa tròn 50 năm đã để lại nhiều bài học sâu sắc, những bài học đó đã tiếp sức cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hôm nay thêm vững tin bước vào giai đoạn phát triển mới với những thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức đan xen. Thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về đối ngoại và hợp tác quốc tế: Nâng cao năng lực hội nhập, thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế, các hiệp định thương mại tự do; lồng ghép với các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy hơn nữa ngoại giao văn hóa, đóng góp thiết thực vào quảng bá mạnh mẽ hình ảnh quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước.
PGS.TS. Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát biểu tại Tọa đàm
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS. Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nhấn mạnh, Tọa đàm khoa học “50 năm Hiệp định Pari - Mốc son lịch sử” là diễn đàn khoa học nhằm đánh giá sâu sắc vị trí, vai trò quan trọng của Hiệp định Pari và Hội nghị Pari trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nhất nước; từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước hiện nay.
Với tinh thần nhất trí cao, các đại biểu nhấn mạnh, thắng lợi của Hiệp định Pari và Hội nghị Pari đã phản ánh tinh thần quyết chiến, quyết thắng, ý chí quật cường đấu tranh bền bỉ bảo vệ chân lý, giành độc lập, tự do của cả dân tộc Việt Nam. Cuộc đấu tranh này phản ánh đầy đủ sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trí tuệ của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, dựa vào chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Hội nghị Pari và Hiệp định Pari mãi mãi đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung và lịch sử ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh nói riêng như một dấu son không bao giờ phai mờ. Hiệp định Pari còn là minh chứng tất yếu của sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân tiến bộ toàn thế giới.
Bên cạnh khẳng định thắng lợi của Hiệp định Pari và Hội nghị Pari có giá trị trường tồn với lịch sử dân tộc, đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ đã rút ra những bài học đàm phán để đi đến thắng lợi của Hiệp định Paris đó là sự kết hợp kiên quyết, kiên trì, khôn khéo.
Tọa đàm cũng là dịp tôn vinh và tri ân công lao, đóng góp của các thành viên phái đoàn đàm phán, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ tham gia phục vụ Hội nghị, thi hành Hiệp định Pari và các tầng lớp nhân dân đã làm nên thắng lợi vẻ vang của nền ngoại giao Việt Nam nói riêng, của cách mạng Việt Nam nói chung; khẳng định tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, qua đó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong mỗi người Việt Nam, nhất là đối với thế hệ trẻ hiện nay. Tại Tọa đàm đã giới thiệu bài phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị 4 bên tại Pari nhân kỷ niệm 50 năm Hiệp định Pari về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01/1973 - 27/01/2023).
Đồng chí Phan Anh Sơn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm
Tọa đàm là dịp quan trọng để nhìn lại ý nghĩa, giá trị lịch sử cũng như những bài học kinh nghiệm đúc rút được trong quá trình đàm phán Hiệp định Pari, từ đó, vận dụng sáng tạo trong thực hiện đường lối đối ngoại hiện nay.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm
Theo www.nxbctqg.org.vn.