“Nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh tuý nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ” -  Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định như vậy trong bài phát biểu “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Với ý nghĩa, vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước, văn hóa và công tác xây dựng văn hóa luôn được Đảng ta quan tâm, coi trọng ngay từ khi mới thành lập đến nay.

Nhằm tiếp tục triển khai các văn kiện, nghị quyết của Đảng về văn hóa và lan tỏa tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, đồng thời hướng tới kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn Đề cương về văn hóa Việt Nam với khổ nhỏ, có thể bỏ túi rất thuận tiện cho bạn đọc nghiên cứu, tham khảo tài liệu quý này.

Đề cương về văn hóa Việt Nam là một văn kiện lịch sử có giá trị đặc biệt quan trọng đối với cách mạng, kháng chiến, đặt nền móng cho sự vận động và phát triển của nền văn hóa mới Việt Nam, được đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng, nhà hoạt động văn hóa lớn của đất nước, khởi thảo và được Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương thông qua vào tháng 2/1943.

Đề cương đã phân tích, đánh giá một cách khái quát thực trạng đời sống văn hóa dân tộc dưới ách thống trị của Pháp - Nhật, vạch ra đường lối về cách mạng văn hóa và những nhiệm vụ trước mắt, tiến tới xây dựng nền văn hóa dân tộc, nhân dân. Nội dung Đề cương gồm 05 phần: Phần I- Cách đặt vấn đề; Phần II- Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam; Phần III- Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp; Phần IV- Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam; Phần V- Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa mácxít Đông Dương và nhất là của những nhà văn hóa mácxít Việt Nam.

Không chỉ xác định rõ phạm vi, tính chất, nội hàm của văn hóa trong cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa, khẳng định cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng lãnh đạo, Đề cương còn nêu ra “ba nguyên tắc vận động” của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam trong giai đoạn này, đó là: Dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Ba nguyên tắc đã trở thành phương châm lớn xuyên suốt trong quá trình cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và tính thời đại sâu sắc, tiếp tục soi đường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước hôm nay. 

Từ sau bản “Đề cương văn hoá Việt Nam”, tư duy lý luận của Đảng về văn hoá ngày càng được bổ sung, phát triển và hoàn chỉnh hơn, biểu hiện rõ nét qua một số văn bản như: Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Có thể khẳng định, lịch sử sẽ tiếp tục phát triển với những bước quanh co, phức tạp, nhưng tinh thần của Đề cương văn hóa Việt Nam sau 80 năm vẫn sẽ là nền tảng, là khởi nguồn và là động lực cho sự vận động, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh hiện nay nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. 

Theo www.nxbctqg.org.vn.