DANH MỤC LIÊN QUAN
SẢN PHẨM KHÁC
Chào mừng bạn đến với NXB Chính trị quốc gia Sự thật Chi nhánh tại Cần Thơ
Tác phẩm “Nhật ký trong tù” là tập thơ gồm 133 bài, viết bằng chữ Hán, ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt. Tháng 8/1942, Nguyễn Ái Quốc bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam vô cớ tại Túc Vinh, Quảng Tây, khi Người sang Trung Quốc công tác với danh nghĩa là đại biểu của Việt Nam độc lập đồng minh và Phân bộ quốc tế phản xâm lược của Việt Nam. Và từ đây bắt đầu hành trình 13 tháng đầy gian nan, cực khổ trải qua 18 nhà lao của 13 huyện thuộc tỉnh Quảng Tây. Trong những tháng ngày đó (tháng 8/1942 - tháng 9/1943), Người đã sáng tác tập thơ “Ngục trung nhật ký” (Nhật ký trong tù).
Tập thơ phản ánh một cách chân thực về chế độ nhà tù và một phần xã hội Trung Quốc dưới thời Tưởng Giới Thạch. Nhà tù là nơi diễn ra nhiều tệ nạn (đánh bạc, buôn bán, hối lộ…), với bao bất công, ngang trái, đày ải, áp bức người dân trong cảnh khốn cùng. Mỗi bài thơ trong tập nhật ký là tiếng lòng của tác giả, khắc họa sâu sắc tâm hồn, những suy nghĩ, tình cảm của Bác trong thời gian bị giam cầm nơi đất khách. Đó là lòng yêu nước thiết tha, luôn đau đáu hướng về Tổ quốc, mong được trở về hòa mình vào cuộc chiến đấu của đồng chí, đồng bào. Tình yêu thương bao la, vô bờ bến của Người không chỉ dành cho mọi kiếp người, không phân biệt giai cấp, dân tộc mà còn là tình yêu thiên nhiên, hòa mình vào muôn cảnh vật. Toát lên từ toàn bộ tập nhật ký là một tinh thần lạc quan cách mạng, niềm tin vào ngày mai tươi sáng, ý chí kiên cường, bền bỉ, lòng quyết tâm sắt đá của Người. Bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản, sức mạnh tinh thần lớn lao đã đưa Người vượt qua đày ải, ngục tù, đến với ngày tự do, trở về Tổ quốc thân yêu, lãnh đạo toàn dân giành độc lập, tự do cho dân tộc. Tác phẩm đã trở thành bảo vật quốc gia của Việt Nam, được bạn bè quốc tế ngợi ca và được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới.
Với bản dịch này của nhà thơ Quách Tấn, những độc giả yêu mến “Nhật ký trong tù” có thêm một lựa chọn nữa bên cạnh bản dịch quen thuộc của Nam Trân và các bậc túc nho khác. Những trang thơ được dịch và thể hiện theo lối mới lạ, độc đáo trong ấn phẩm cho chúng ta hiểu và trân trọng hơn về tài năng dịch thuật, đặc biệt là về tình cảm của thi sĩ Quách Tấn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Vốn được biết đến là một dịch giả thơ Đường hàng đầu của nước ta, tuy nhiên trong bản dịch này, Quách Tấn đã phá cách, chuyển một số bài của “Nhật ký trong tù” sang những thể thơ truyền thống khác của Việt Nam như thể thơ lục bát, bởi theo nhà thơ, “có nhiều bài tôi thấy dịch thành lục bát nó ý vị hơn”. Phải chăng chính vì lý do này, nên Quách Tấn đã khiêm tốn để là “phỏng dịch”? Về vấn đề này, PGS.TS, nhà nghiên cứu Hán học, dịch giả Lê Văn Toan (tại buổi Tọa đàm về tác phẩm này do Trung tâm Sách quốc gia, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức) nhận định, có thể Quách Tấn cho rằng, mỗi dịch giả sẽ có góc nhìn, cách cảm nhận khác nhau về tác phẩm, được chi phối bởi điều kiện, hoàn cảnh của xã hội và thời đại cho nên các bản dịch sẽ không giống nhau và việc chuyển tải đầy đủ thông điệp của nguyên tác là điều rất khó - Đó cũng có thể là lý do mà Quách Tấn chọn ghi “phỏng dịch”.
Đặc biệt với ấn bản này, bạn đọc sẽ được “chiêm ngưỡng” những bài thơ của Bác với phần chép tay chữ Hán của nhà thư pháp Trần Thúc Lâm, một người bạn văn chương của Quách Tấn và phần chép tay chữ quốc ngữ rất đẹp của chính nhà thơ.
Bản dịch Nhật ký trong tù của thi sĩ Quách Tấn, trải qua “hành trình” hàng chục năm với biết bao “duyên kỳ ngộ”, để rồi với sự ủng hộ của gia đình nhà thơ, sự giúp đỡ của nhà sử học Dương Trung Quốc - người được nhà thơ Quách Tấn gặp gỡ, cảm mến, giới thiệu bản dịch của mình và ông nhận thấy bản dịch này “chữ thật đẹp, dịch thật hay và lại muốn giới thiệu cho mọi người cùng đọc”, tác phẩm “Nhật ký trong tù” một lần nữa được đến với bạn đọc qua bản dịch mới của thi sĩ tài hoa nơi “Xứ trầm biển yến”.